Là một linh kiện được quan tâm không thua kém gì CPU và MainBoard khi tiến hành xây dựng cấu hình PC. Card đồ hoạ chính là thành phần cực kì quan trọng trong cỗ máy của bạn. Đặc biệt trong những PC Gaming hay những chiếc PC phục vụ công việc đồ hoạ. Hãy cùng Gia Long Digital khám phá một số kiến thức cơ bản về VGA để có thể lựa chọn cho mình một chiếc Card màn hình chủ phù hợp nhé.
1. Trước hết hãy cùng điểm qua một số khái niệm liên quan đến Card màn hình nhé:
→ VGA(Video Graphic Adaptor): Định nghĩa dễ hiểu nhất là thiết bị xử lý đồ họa.
→ GPU(Graphic Processor Unit): Bộ vi xử lý đồ họa. Còn được gọi với các tên khác như chip đồ họa, chipset VGA…
→ VRAM(Video Random Access Memory): Bộ nhớ đồ họa
→ OC(Over Clock): Ép xung. Thường xuất hiện ở các phiên bản ép xung GPU sẵn, xung nhịp GPU ở các phiên bản này thường cao hơn xung mặc định từ 20-100Mhz.
→ GPU Clock/Engine Clock: Xung nhịp vi xử lý đồ họa
→ Memory Clock: Xung nhịp bộ nhớ VGA
→ Bus standard: Chuẩn giao tiếp vs bo mạch chủ.
Trong card màn hình chứa “cơ quan đầu não” GPU làm cầu nối trong việc truyền tải dữ liệu, từ các đoạn mã bit 1 0 trong các chương trình game, sau đó mã hoá thành hình ảnh rồi hiện lên màn hình cho các bạn thưởng lãm. Nói ngắn gọn, GPU đơn giản là xử lý đồ hoạ hiển thị. Với thiết kế đặc thù, GPU có thể xử lý hàng ngàn luồng dữ liệu cùng lúc, nhanh hơn nhiều nếu so sánh tốc độ xử lý dữ liệu với CPU. GPU càng xịn, tốc độ xử lý và phân tích hình ảnh càng cao thì bạn càng chơi được game “nuột” hơn. Chính vì khả năng đặc biệt và nhiệm vụ khó nhằn này nên card đồ hoạ luôn nằm top giá trong các thành phần của máy tính (có lẽ phải chiếm khoảng 1 nửa giá của case). Giá của GPU càng cao, khả năng làm việc càng tốt nhưng không phải cứ mua card giá cao nhất là bạn mới trải nghiệm được game mượt mà, đơn giản như hiện nay bạn chỉ cần một bỏ tiền mua một card GTX1050 là đã chơi được đa số các game rồi.
2. Phân biệt hai loại card màn hình
Một là tích hợp vào CPU hoặc Mainboard (card onboard), hai là card rời (mua về gắn thêm vào).
Thông thường các máy tính hay laptop khi mua về đều đã được tích hợp sẵn các card onboard. Ở Việt Nam hiện nay, chip Intel là phổ biên nhất nên card on hầu hết đều là của Intel. Với những loại card thế này cũng đã đủ khả năng hoạt động để bạn xem phim HD, chơi game online hay sử dụng các tác vụ cơ bản mà không cần để ý quá nhiều đến khả năng xử lý đồ hoạ. Còn nếu mục đích sử dụng là chơi game, hay chỉnh sửa hình ảnh hoặc video thì card rời là sự lựa chọn “bắt buộc” cho bạn bởi những gì card rời có thể làm được vượt xa khả năng của card onboard.
3. Những điều cần lưu ý khi mua
Bộ nhớ
Ở card onboard, bộ nhớ của card đồ hoạ (VRAM) được chia sẻ từ hệ thống. Card rời thì khác, nó có bộ xử lý và VRAM riêng biệt. Đây là nơi những hình ảnh được xử lý, mã hoá và chuẩn bị truyền tải. Mỗi điểm ảnh (pixel) trên màn hình sẽ có 1 vị trí nhớ được lưu trữ trong RAM và khi cần thì các dữ liệu từ RAM sẽ hiển thị trên màn hình theo những thứ tự pixel, màu sắc đó. Để hiển thị được 1 hình ảnh 3D thì quá trình xử lý vô cùng phức tạp. Đầu tiên phải tạo ra một khung điện từ dạng 3D, sau đó xử lý từng điểm ảnh trong khung 3D đó, nếu quá trình này lặp lại đủ nhanh (ví dụ 60 lần trên giây) thì hình ảnh khi xuất ra màn hình mới đạt 60 FPS. Chính vì sự phức tạp này nên các card rời đều có hệ thống xử lý hình ảnh chuyên dụng, nếu để các loại card onboard hiện nay làm việc, hình ảnh chắc chắn sẽ bị vỡ, giật, không nhìn được gì luôn, thậm chí có khi còn không vào được game.
Bộ nhớ video cấp độ càng cao thì công việc truyền tải dữ liệu càng nhanh. Hiện nay, card đồ hoạ hàng đầu GTX 1080 cũng sử dụng loại băng thông GDDRx5 với tốc độ truyền tải lên đến 10 Gbps. Trước khi công nghệ này được đột phá thì các card đời cũ hơn trong vài năm trở lại đây đều sử dụng GDDR 5 tuy tốc độ chỉ bằng 1 nửa (khoảng hơn 5 Gbps).
Tốc độ
Xung nhịp hoạt động của GPU cũng là một chi tiết đáng chú ý ảnh hưởng đến tốc độ xử lý ảnh, tốc độ hiển thị (FPS), chất lượng hình ảnh và cả độ phân giải nữa. Ví dụ GTX 1080 hoạt động ở chế độ mặc định sẽ có xung nhịp là 1607 MHz nhưng những bản được overclock (OC hay còn gọi là ép xung) nâng con số này lên còn cao hơn nữa. Tuy vậy, tần suất làm việc càng nhiều thì card sẽ càng nóng và nếu không có biện pháp tản nhiệt thích hợp card sẽ rất nhanh hỏng. Ngoài xung nhịp, thứ tiếp theo ảnh hưởng đến tốc độ card là số nhân hoạt động (shader cores). Loại nhân này có cách gọi khác nhau tuỳ theo từng hãng, ví dụ Nvidia gọi nó là nhân CUDA, còn AMD gọi nó là Stream processors. Tất nhiên là những chỉ số này càng cao thì càng tốt.
Nhiệt độ
Sau tất cả các chỉ số trên, điều còn lại bạn cần nắm được khi mua một em card là hệ thống tản nhiệt của nó. Hệ thống này vô cùng quan trọng bởi nếu bạn sở hữu một cái quạt “cùi mía” hạng đuổi ruồi chứ không làm mát được thì khi GPU tăng nhiệt độ khi chơi game, card sẽ phải giảm tần suất hoạt động để hạ nhiệt và như vậy đương nhiên là không ổn tí nào rồi. Sẽ có hai hướng giải quyết cho vấn đề tản nhiệt của GPU. Đầu tiên là ngay trước khi chọn card, bạn sẽ phải xem review và tìm hiểu xem loại card này khi hoạt động có ổn định không, chơi game nhiều có bị nóng không. Ví dụ các phiên bản GTX của Nvidia được sản xuất bởi Asus (Asus Edition) thường sẽ được trang bị quạt tản nhiệt tốt hơn. Hai là phải đầu tư hệ thống tản nhiệt cho cả case trong đó sẽ bao gồm cả card màn hình. Cách 2 nghe có vẻ sẽ tốn kém hơn khi kinh phí vốn đã eo hẹp nay còn phải tăng thêm 1 cái quạt cho máy nữa, vì vậy khi trước khi mua card bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cụ thể về loại card đó trước nhé.
Kích cỡ, công suất và kết nối
Đây là những yếu tố thường bị xem nhẹ khi chọn card màn hình nhưng trong vài trường hợp đen đủi, bạn sẽ không thể lắp được card vào case vì thiếu những yếu tố này.
Xét về kích cỡ, chiều dài của một card đồ hoạ luôn phải đáp ứng đủ điều kiện nằm gọn trong 1 case. Thêm nữa, vị trí cổng PCI-Ex để cắm card cũng phải đủ “thoáng” sao cho khi lắp ráp không bị vướng tới các linh kiện khác. Yếu tố công suất cũng vô cùng quan trọng bởi nếu công suất nguồn của bạn không đủ đáp ứng cho nhu cầu card đồ hoạ sẽ rất dễ bị cháy nguồn, đôi khi là cháy cả card nữa. May mắn thay, xu hướng thiết kế card đồ hoạ hiện nay càng ngày càng tiết kiệm điện. Điển hình như các GPU mới nhất ra mắt trong năm nay của cả Nvidia và AMD đều chỉ tiêu tốn dưới 180W. Cuối cùng là các cổng công suất nguồn phụ.
Hiện nay hầu như tất cả các card rời đều cần đến cổng này để tăng năng lượng cho card. Cổng PCI-Ex chỉ cung cấp khoảng 75W, công suất còn lại đều đến từ những cổng này. Cổng nguồn phụ thường có 6 hoặc 8 chân và sẽ được kết nối qua dây cáp của bộ nguồn PSU nên bạn phải chú ý khi chọn dây cáp phù hợp cho card của mình.
4. Các phân khúc card đồ hoạ
Đối với card đồ hoạ thì việc thường xuyên bị đào thải là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Một card nằm trong top các card đáng để mua hiện nay có thể rơi vào top tránh phải mua sau vài năm công nghệ thay đổi. Điều này đặc biệt đúng với các card đồ hoạ “siêu cấp” với giá thành nằm trong phân khúc cao cấp bởi lẽ với giá bán cao như vậy, sau này khi các card đồ hoạ có hiệu suất tốt hơn và giá thành cũng cạnh tranh hơn thì ế hàng là chuyện dễ hiểu. Nói vậy để các bạn có thể hình dung rằng, những card đồ hoạ tầm trung giá thường là tốt nhất. Bạn có thể mua hàng second với giá còn bèo hơn nữa nhưng trong tương lai ít nhất 1 đến 2 năm vẫn có thể dùng được, và khi có tiền để nâng cấp lên card xịn hơn thì cũng không quá lãng phí.
Trong thời điểm hiện tại, có khá nhiều sự lựa chọn VGA tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của cá nhân. Đối với Nvidia, hiện tại có các dòng phổ biến như GT1030 với mức giá tầm 2 triệu đồng. Mạnh hơn có GTX1050, GTX1050Ti. Đặc biệt là chiếc VGA GTX1060 đang rất hot trên thị trường tại thời điểm hiện tại. Với sức mạnh gấp đôi chiếc GTX1050Ti nhưng giá tiền chỉ nhỉnh hơn chút xiu (tầm giá 6 triệu đồng). Sẽ khiến nhiều người đau đầu chọn lựa 1050 Ti hay cố thêm 1 triệu đồng để sở hữu chiếc VGA GTX1060. Còn theo quan điểm của cá nhân, tôi vẫn khuyên bạn dùng GTX1060 bởi sức mạnh và hiệu năng nó mang lại.
5. Cuộc chiến giữa 2 gã khổng lồ AMD và Nvidia
Một khi đã nhắc đến card đồ hoạ thì người ta đều nghĩ ngay đến cuộc chiến dài bất tận giữa 2 hãng không đội trời chung AMD và Nvidia. Mặc dù có thể hơi lép về một chút trước sức mạnh và công nghệ tiến bộ vượt bậc cùng công nghệ Pascal mới được áp dụng gần đây của Nvidia nhưng AMD vẫn giữ được thị phần không nhỏ của mình nhờ khả năng điều chỉnh giá phù hợp. Chính yếu tố cạnh tranh này làm cho những người tiêu dùng như chúng ta càng được hưởng lợi từ những sản phẩm tuyệt vời với giá vô cùng phải chăng.
P/P: Chính vì vậy, điều người dùng quan tâm nhất mỗi khi ra quyết định mua 1 card đồ hoạ chính là tỉ lệ p/p (price/performance hay còn gọi là giá cả/hiệu năng). Trong thời gian gần đây thì AMD có vẻ nhỉnh hơn đối thủ của họ đôi chút trong cuộc chiến p/p. Lý do có lẽ là vì với công nghệ tiên tiến của mình, Nvidia tha hồ đẩy giá những chiếc card hàng khủng điển hình như GTX1080 lên cao trong khi AMD biết thân biết phận chỉ đánh vào thị trường tầm trung và tầm thấp nên các card của họ luôn được đầu tư và chăm chút một cách tốt nhất với mức giá lại vô cùng phải chăng.
Bugs: Không gì là hoàn hảo cả nên mỗi thế hệ card đồ hoạ của cả AMD và Nvidia đều có những lỗi nhất định và bạn có xui xẻo mắc phải không thôi, nếu có thì vẫn còn đó bảo hành mà phải không? AMD trước giờ vốn nổi tiếng với hàng loạt lỗi liên quan đến driver chạy thiếu ổn định, dẫn đến hiệu suất card chạy không tốt và nghiêm trọng hơn là hệ thống tản nhiệt không hiệu quả dẫn đến card nóng bỏng tay. Người ta còn nói đùa rằng có thể rán trứng luôn trên card AMD cũng được. Về phần Nvidia cũng có một vài lỗi “bá sĩ đạo” không kém. Ngay sau sự việc AMD update driver làm tự động tắt quạt tản nhiệt dẫn đến cháy card thì Nvidia cũng nổi tiếng với bản update Driver Geforce 364.47 nổi tiếng vì xung đột phần cứng tạo ra rất nhiều lỗi đáng tiếc cho người dùng: tắt máy, treo máy, blue screen hay hỏng luôn card.
Dù sao thì cũng phải thông cảm vì với những linh kiện điện tử và những bản update như vậy đôi khi cũng xảy ra lỗi là chuyện bình thường. Mỗi lần như vậy nhà sản xuất đều rất nhanh chóng đưa ra các phương án xử lý thuận lợi nhất cho người dùng nên mọi người hãy an tâm.
Hãy là người tiêu dùng thông thái: Đúng vậy đấy. Bạn là người tiêu dùng còn các sản phẩm của 2 hãng đều rất mang tính cạnh tranh vì vậy bạn là người hưởng lợi nhiều nhất khi lựa chọn được món hời từ 1 trong 2 hãng. Đừng vì quá ái mộ một card đồ hoạ của Nvidia mà bỏ qua mất tỉ lệ p/p rất tốt của AMD cùng đời. Với công nghệ đang ngày càng tiến bộ trong thời điểm này, thì chỉ trong vài năm nữa, sự thay đổi về sức mạnh vượt bậc đến chóng mặt của các card đồ hoạ sẽ càng làm cho bạn phải cân nhắc kĩ càng hơn nữa mỗi khi lựa chọn GPU cho mình. Liệu bạn có tưởng tượng được trong 4-5 năm nữa GTX1080, con quái vật ngày hôm nay, sẽ trở thành con kiến của ngày sau không?